BQT 9Gate

Following: 20Follower: 34

Những điều thú vị mà game thủ cảm nhận được khi xem eSports Việt

02-08 21:35

Đôi khi xem những giải đấu quốc tế chuyên môn cao cũng không bằng những trận đấu ao nhà đầy cống hiến và những cảm xúc rất đời thường của khán giả Việt.

Thể thao điện tử (eSports) đã và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ trên toàn thế giới với vô số những giải đấu lớn nhỏ với những tựa game nổi tiếng như Dota 2, LMHT, CS:GO, PUBG… Cũng như bạn bè quốc tế, game thủ Việt Nam đã đón nhận hình thức giải trí mới này nhiệt liệt như cách họ thưởng thức môn thể thao cổ điển như quyền anh hay bóng đá.

Do đó những giải đấu eSports được tổ chức ở Việt Nam đều mang một màu sắc rất riêng và tiềm ẩn khá nhiều điều thú vị mà những giải đấu mang tính chuyên môn cao ở Âu Mỹ Hàn khó có thể tìm thấy. Hãy cùng điểm qua những điều thú vị nhưng cũng rất đời thường ở những giải đấu tại ao nhà Việt Nam nhé.

Cuồng nhiệt đến mức trở thành HLV online cho cả 2 đội

Cũng là game thủ nhưng người hâm mộ eSports Việt Nam dành trọn tình cảm cho cả hai đội tuyển thi đấu chứ không riêng gì đội nhà. Điều họ thật sự muốn là một trận đấu đầy cống hiến với những pha giao tranh toàn bản đồ trong LMHT hay biến số sinh tồn như PUBG. Do đó không chỉ chăm chú theo dõi trận đấu, người hâm mộ Việt Nam còn có một nét rất riêng khi liên tục chỉ đạo tuyển thủ từ khâu cấm chọn đi đường từ hàng ghế khán giả.

Tuy nhiên ở vị thế của một game thủ chuyên nghiệp cũng như áp lực lớn từ những trận đấu đỉnh cao, họ thường chăm chú lắng nghe ý kiến chuyên môn từ số liệu thống kê hơn là việc chiều lòng người hâm mộ với những chiến thuật quái dị và thường không hữu dụng nếu không có sự chuẩn bị từ trước. Ví dụ điển hình dễ thấy nhất là ở giải đấu VCS của LMHT trong mọi kèo đấu đường giữa, người hâm mộ đều phát cuồng khi game thủ khóa cho mình “đấng” Yasuo, tuy nhiên đâu phải kèo đấu nào Yasuo cũng dễ dàng dành phần thắng mà không cần phải dùng quá nhiều tài nguyên. Còn với PUBG thì người hâm mộ lại thích xem game thủ tự làm khó với những khẩu súng đòi hỏi “nhân phẩm” cao như Nỏ thần hay Winchester.

Ngộ nhận khả năng xử lý tình huống của tuyển thủ

Nhập tâm khi xem giải đấu eSports ở Việt Nam là một nét đẹp thú vị, không chỉ dừng lại ở việc trở thành HLV online mà đôi khi người hâm mộ xem giải đấu còn ngộ nhận mình chính là game thủ đang trực tiếp xử lý tình huống trên sân khấu tràn ngập ánh đèn. Sự ngộ nhận này không chỉ diễn ra ở những vòng chung kết lớn tổ chức offline hoành tráng mà còn thường xuyên xuất hiện khi giải đấu phát sóng trực tiếp.

Điển hình là trong những giải đấu chuyên môn cao như LCK, LPL mỗi lần những game thủ nổi tiếng như Faker, Sofm… có những pha xử lý lỗi hoặc khó hiểu khi giao tiếp cùng đồng đội thì ngay lập tức trên khung chat kế bên sẽ xuất hiện hàng loạt bình luận từ mỉa mai đến chê bai thậm tệ, thậm chí khá nhiều game thủ còn nhập vai đến mức khẳng định nếu là mình ở trong tình huống đó sẽ có cách xử lý khác tinh tế và hiệu quả hơn “con gà” kia.

Soi xét từng sai lầm nhỏ nhất của bình luận viên

Khi theo dõi trận đấu, bình luận viên chính là người truyền cảm hứng để đem sức nóng và diễn biến trận đấu đến game thủ. Nói không ngoa khi đây chính là cái nghề đòi hỏi sự tập trung và chuyên môn cao nhất trong ngành công nghiệp eSports, tuy nhiên với một số game thủ theo dõi trận đấu qua kênh phát sóng trực tiếp thì họ lại không mấy quan tâm vấn đề này mà chỉ chăm chăm bắt tận tay và chê bai những lỗi nhỏ nhất của bình luận viên như phát âm sai tên tướng, tình huống…

Vô hình trung việc bắt bẻ sai phạm này không hề cải thiện khả năng bình luận cũng như chất lượng trận đấu mà chỉ đem lại áp lực tâm lý lớn hơn cho những bình luận viên trẻ vừa bước vào nghề. Trong một buổi live stream bình luận trận custom thời gian gần đây, mặc dù chỉ bình luận một trận đấu nhưng ngay sau đó streamer Thầy Giáo Ba cũng phải thật lòng chia sẻ là quá mệt khi phải nói liên tục và đặt câu hỏi là tại sao những bình luận viên chuyên nghiệp của VETV lại có thể đủ sức trụ vững sau những trận đấu BO5 dồn dập cơ chứ? Có lẽ game thủ theo dõi trực tiếp cần mở lòng nhiều hơn thay vì quá khắt khe với bình luận viên như hiện nay.

Dùng yếu tố tâm linh lý giải cho mọi thứ trong giải

Mặc dù đây chỉ là yếu tố tâm lý và góp phần đem lại nụ cười cho cộng đồng nhưng với khả năng lây lan mạnh mẽ, game thủ Việt Nam đã giới thiệu món đặc sản tâm linh của thầy bùa “Pê Lu” ra khắp các giải đấu quốc tế. Thậm chí một đồn mười, mười đồn trăm năng lực “dự đoán ngược” giờ đây còn trở thành liều thuốc tâm lý để các đội tuyển chiếu dưới tự tin thể hiện ở những giải đấu LMHT Việt Nam.

Ngoài yếu tố tâm linh của BLV Pê Lu, đâu đó ở giải đấu VCS vẫn còn một cái bóng tâm linh khác với số ba luôn luôn hiện hữu và thường xuyên được bình luận viên lẫn người hâm mộ nhắc tới mỗi khi xuất hiện một pha xử lý xuất thần. Về cơ bản thì đây cũng là cách châm biếm khá nặng vì đâu ai muốn bị so sánh dưới cái bóng của một vận động viên hoặc game thủ khác.

Lời kết

Mặc dù thể thao điện tử đã và đang dần được công nhận là một sự nghiệp nghiêm túc, một môn thể thao mới trong cộng đồng game thủ nhưng các dân chơi cũng không nên ngủ quên trên chiến thắng mà phải luôn ý thức đấu tranh để những tựa game giải trí lành mạnh không phải sớm ra đi bởi cái nhìn thiếu thiện cảm từ cộng đồng và phát triển hơn trong tương lai.

Chém gió ...
Aa 0