BQT 9Gate

Following: 20Follower: 34

Chứng nhận “game thủ thực thụ” hay tấm bình phong cho tính thượng đẳng?

27-09 19:54

Mỗi giai đoạn phát triển của làng game sẽ đặt một nhóm người thành nạn nhân của tính thượng đẳng qua việc xét chứng nhận “game thủ thực thụ”.

Nếu trò kỳ thị “lửa chùa” chưa đủ hấp dẫn, chúng ta sẽ có cái khác ngon hơn để chứng tỏ độ thượng đẳng của bản thân khi cô lập một nhóm người và cho họ là rác rưởi của cộng đồng. Việc “xét chứng chỉ” game thủ thực thụ đối với một nhóm người nào đó luôn là một trò thượng đẳng trong lịch sử làng game.

Gần đây, đã thấy rải rác một số bài share theo meme “chơi game mobile không phải là game thủ” và thực sự cảm thấy thú vị. Đã sống qua nhiều thời kỳ phát triển của làng game và đã chứng kiến trò kỳ thị này thay đổi theo năm tháng như thế nào. Có một điều chắc chắn rằng đây không phải là lần cuối nó tiến hóa và game thủ mobile không phải là nhóm nạn nhân cuối cùng của vấn nạn này.

Game online và social game từng là nạn nhân

Gia nhập làng game trước khi thể loại game online bùng nổ một vài năm vì vậy có thể nói là đã chứng kiến đợt kỳ thị đầu tiên trong cuộc đời game thủ của mình như thế nào. Thậm chí cũng từng rất tích cực theo phe của dân PC – Console truyền thống để cho rằng các MMORPG và game chơi online là rác rưởi của một đám kém cỏi thích đú.

Ngày đó, luận điệu kỳ thị cho rằng game online có gameplay đơn giản hóa rất nhiều từ game truyền thống, đồ họa cũng không đẹp mấy, nó chỉ là chỗ cho mấy tay rảnh rỗi tụ tập chat chit thay vì chơi game thực sự. Nhìn chung lúc đó nhìn game online giống như một cái quán cà phê trực tuyến để mấy tay vô công rỗi nghề vào “quẹt quẹt” mấy cái gameplay nhạt nhẽo và đồ họa xấu tệ rồi tụm năm tụm ba buôn chuyện là chính.

Cách đơn giản nhất chính là mang Diablo II ra so với MU Online. Tôi biết, bây giờ thì nghe có vẻ buồn cười và ngô nghê như thời đó nó là một ý kiến nghiêm túc. Và sự thật là có một thời những tay chơi game online từng bị xem là một cái gì đó ngoại đạo chứ không phải game thủ thực thụ.

Thế rồi thời gian trôi qua, game online ngày càng hay, Blizzard cũng vào cuộc với World of Warcraft. Không ai còn coi game online là ngoại đạo nữa. Đến một lúc nào đó thiên hạ lẳng lặng “quên” cái sự kỳ thị đó đi coi như nó chưa từng xảy ra.

Thế rồi thế hệ game mạng xã hội (social game) ra đời theo sự trỗi dậy của Facebook. Tiếp tục là một màn thượng đẳng mới khi cộng đồng bắt đầu bài ca cũ rằng social game là một dạng chơi phí thời gian và gameplay của nó chả có gì cả. Người chơi game social thế chỗ cho game thủ online với cái mác “không phải game thủ thực thụ”.

Công thức so sánh gần như tương tự khi mang Farmville ra so với… Harvest Moon và kết luận rằng nhóm game thủ social chỉ ngồi lười biếng chơi một cái gameplay nông cạn và nghèo nàn. Trong khi đó các game thủ thượng đẳng truyền thống sẽ chơi một game có nhiều tầng lớp và đa dạng về hoạt động.

Giờ đây, khi giai đoạn kế tiếp được chuyển giao và chúng ta có game thủ mobile thành meme “không phải game thủ thực thụ” với hàng loạt hình ảnh châm biếm. Có thể với nhiều bạn trẻ nó là một thứ mới mẻ nhưng với một con khỉ già như thì nó là Déjà vu lặp lại không chỉ một lần.

Tất cả đều là game thủ, chỉ là cách thưởng thức khác nhau

Điểm chốt của tất cả những trò kỳ thị này nằm ở sự khác biệt trong cách trải nghiệm một sản phẩm game. Phàm là con người thì sẽ có xu hướng sợ cái khác lạ, ghét cái không giống mình. Kỳ thị màu da, sắc tộc, giới tính, thậm chí nỗi sợ người ngoài hành tinh cũng từ yếu tố tâm lý này mà ra.

Vậy tại sao chúng ta có thể chấp nhận tất cả màu da đều là con người nhưng không thể chấp nhận tất cả những kiểu chơi game cũng đều là thành viên của cùng một cộng đồng game thủ?

Nếu các game thủ hardcore thích các yếu tố chuyên sâu như đồ họa đẹp, gameplay có chiều sâu thì những game thủ khác cũng có thể thích sự giao lưu kết nối, sự hợp tác team work. Tất cả đều tìm kiếm những trải nghiệm mà mình thích thông qua game, khác chăng chỉ là mỗi nhóm đặt yếu tố khác nhau làm trung tâm mà thôi.

cho đến giờ vẫn chọn trải nghiệm về giải trí trong game làm trung tâm thay vì tranh đua. Chính vì vậy không tham gia nhiều vào các game mang tính tranh đua như LMHT, PUBG, Valorant. Đơn giản vì cho rằng chơi game là cảm nhận câu chuyện, gameplay, những sáng tạo trong cách chơi chứ không phải luyện cho thật giỏi một game nào đó để trở thành nhà vô địch hay rank cao nhất mùa.

Nhưng không bao giờ xem thường hay cho rằng những người chơi các game kể trên là rác hay không xứng đáng để gọi là game thủ thực thụ. tôn trọng khẩu vị và cách trải nghiệm game của những game thủ khác mình. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn tự hỏi chơi game có phải để diễn xiếc đâu mà mấy anh em train căng thế.

Kết

Thường thì những người thích tỏ ra thượng đẳng chỉ tự thấy bản thân mình cao mà thôi, còn người ngoài nhìn vào thì thấy đây là một kẻ hợm hĩnh, hống hách. Bạn sẽ thấy rất rõ nếu có ai đó thể hiện sự thượng đẳng và xem bạn là mục tiêu công kích.

Chính vì vậy, trước khi hạ thấp một người hay một nhóm người nào đó bằng cách mang tiêu chuẩn game thủ thực thụ ra so đo thì hãy nhớ điều này. Chúng ta cần phải đoàn kết hơn, tập hợp nhiều nhóm game thủ khác nhau lại để đối mặt với sự kỳ thị từ xã hội chứ không phải ngồi đây tự chia rẽ lẫn nhau chỉ để thỏa cái tính “thượng đẳng” của mình.

Trong khi thiên hạ đang xem đám game thủ như một cái gì đó xấu xa nghiện ngập, nhếch nhác thì chúng ta ngồi đây tự đánh lẫn nhau liệu có giúp tình hình sáng sủa hơn không?

Chém gió ...
Aa 0