BQT 9Gate

Following: 20Follower: 34

Tại sao mỗi Nhà Phát Hành đều nên có vị trí Giám đốc Truyền thông?

01-04 10:14

Giám đốc Truyền thông không phải là vị trí quá xa lạ đối với hầu hết các doanh nghiệp bởi tầm quan trọng của nó. Nhưng trong chủ đề lần này, 9Gate muốn đưa ra một khái niệm và vai trò hoàn toàn mới của vị trí Giám đốc Truyền thông để phù hợp hơn với lĩnh vực phát hành game.

Tri thức là thứ luôn thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng ngành nghề và công việc. Đối với lĩnh vực phát hành game còn nhiều mới mẻ và vốn đặc thù thì vẫn chưa có quy chuẩn nào để áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp.

Với những trải nghiệm khi làm việc với các Nhà Phát Hành, bài viết này sẽ đưa ra các yêu cầu cơ bản đối với vị trí Giám đốc Truyền thông, người sẽ phải quản lý, chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề liên quan đến truyền thông để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Nhà Phát Hành sau này.

Tạo quy trình làm việc giữa các bộ phận Vận hành, Marketing và Truyền thông

Lâu nay, việc nhân viên PR thay đổi môi trường làm việc vốn là một chuyện hết sức bình thường. Ngoài việc nhận được các chế độ đãi ngộ và môi trường tốt hơn thì còn có một nguyên nhân khác: đó là áp lực của nhân viên PR luôn là rất lớn, đặc biệt là với các Nhà Phát Hành có nhiều sản phẩm và không có quy trình làm việc cụ thể.

Khi đó ngoài việc phải viết rất nhiều bài, nhân viên PR còn phải “chạy” theo các bộ phận khác khi kế hoạch thay đổi, đặc biệt là thời điểm trước khi ra mắt game. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến cả hiệu quả truyền thông.

Vì vậy, để có thể khai thác công tác truyền thông được thuận lợi trên tất cả các game, việc tạo một quy trình chuẩn chung cho toàn công ty chính là công việc phải thực hiện đầu tiên của Giám đốc Truyền thông.

Đào tạo Nhân viên, phát triển kênh truyền thông nội bộ

Như đã nói ở trên, phát hành game là một ngành đặc thù và mới mẻ ở Việt Nam nên hiện tại vẫn chưa có trường học nào đào tạo chuyên biệt cho lĩnh vực này nên việc thiếu hụt nhân sự là tương đối nhiều.

Ngoài ra, phong cách viết bài cũng phải có một tiêu chuẩn nhất định để có thể phù hợp và nhất quán với các sản phẩm của Nhà Phát Hành.

Nó chính là cơ sở để phát triển một kênh truyền thông nội bộ trong Nhà Phát Hành để có thể tự lực, tự cường, cũng như chủ động hơn trong việc triển khai truyền thông sản phẩm dựa trên cộng đồng game thủ sẵn có.

Điều đó sẽ giúp cho Nhà Phát Hành vừa tiết kiệm được chi phí truyền thông, vừa có một nền tảng phát triển bền vững.

Quan hệ báo chí. Đo lường hiệu quả thực tế của các kênh truyền thông

Có một thực tế, các Nhà Phát Hành đều vẫn chưa đánh giá hết được hiệu quả của các kênh truyền thông hay nói chính xác hơn là chưa có cách nào để đo lường hiệu quả.

Vì vậy, Giám đốc Truyền thông phải là người đưa ra kế hoạch và tạo ra công cụ đo lường chính xác nhất có thể.

Ngoài ra, việc giữ mối quan hệ tốt với tất cả các kênh sẽ giúp cho việc phát triển và hiểu được cộng đồng game thủ của Nhà Phát Hành trên từng kênh để khai thác truyền thông được hiệu quả hơn.

Nắm được thông tin thị trường, đưa ra thời gian ra mắt và tên gọi phù hợp cho sản phẩm

Tại thị trường Việt, không thiếu việc trong một ngày có rất nhiều sản phẩm được ra mắt. Hay việc một game thay đổi tên gọi nhiều lần trước thời điểm ra mắt.

Tất cả các vấn đề này đều phát sinh từ việc phần lớn Nhà Phát Hành đều chưa có bộ phận chuyên trách đưa ra những gợi ý, mà hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bộ phận vận hành.

Điều này tưởng hết sức đơn giản nhưng thực tế lại gây ra hiệu quả nghiêm trọng. Bởi nếu chọn trùng thời điểm ra mắt game với các sản phẩm khác trong khi không có thế mạnh cạnh tranh thì sẽ rất tốn chi phí trong khi chưa chắc đã mang lại hiệu quả.

Ngoài ra việc không tìm hiểu trước tên sản phẩm trước khi ra mắt có thể làm giảm hiệu quả truyền thông của sản phẩm cũng như góp phần vào PR giúp cho sản phẩm của Nhà Phát Hành khác.

Đây rõ ràng là vấn đề lớn mà các Nhà Phát Hành buộc phải để ý và suy nghĩ thật sự nghiêm túc.

Tự chủ về kinh tế. Giảm tải áp lực về chi phí cho Nhà Phát Hành

Bài toán đau đầu nhất đối với hoạt động truyền thông của Nhà Phát Hành đó chính là chi phí vận hành. Và Giám đốc Truyền thông phải là người đưa ra được kế hoạch để chi tiêu hợp lý và tiết kiệm nhất.

Mặt khác, với cộng đồng sẵn có từ sản phẩm, Giám đốc Truyền thông có thể phát triển thêm nền tảng và sản phẩm phù hợp để vừa có thể hỗ trợ cho việc truyền thông, vừa tạo ra được nguồn thu từ chính những sản phẩm đó.

Còn rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình triển khai truyền thông buộc Nhà Phát Hành phải có một người đại diện đứng ra giải quyết tất cả các vấn đề này.

Đó chính là yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ Nhà Phát Hành nào vì sự phát triển bền vững ở hiện tại và cả trong tương lai.

Chém gió ...
Aa 0