Băng Vũ

Following: 0Follower: 0

Hướng đi nào cho thị trường game mobile Việt năm 2015

02-01 11:00

Năm 2014 là một năm đại thành công của thị trường game mobile online, bước vào năm mới 2015 thị trường tiềm năng này sẽ thăng tiến tới đâu?

Dưới đây là những quan điểm chia sẻ của 9Gate với mục đích hướng tới một thị trường gMO bền vững và phát triển lâu dài.

Phát hành ít nhưng chất lượng và chăm sóc tốt hơn

Có một thực tế đang xuất hiện ở các nhà phát hành lớn trong năm 2014 đó là việc phủ càng nhiều game trên thị trường càng tốt. Bất kể con game đó xấu hay đẹp, cũ hay mới, có người chơi hay không có người chơi.

Việc này chỉ có một cái lợi duy nhất đó tăng độ phủ cho thương hiệu của nhà phát hành, số còn lại đều là lợi bất cập hại.

-Thứ nhất: Việc phát hành nhiều game dẫn đến việc phát sinh về chi phí nhân sự, vận hành và marketting

-Thứ hai: Việc phát hành nhiều game cũng dẫn đến việc xuất hiện nhiều game rác hoặc không biết đâu là sản phẩm chiến lược

-Thứ ba: Hệ quả từ hai điều trên sẽ dẫn việc một số lượng lớn game bị ‘khai tử’ khi mới chỉ vận hành được một vài tháng.

Chính vì lý do đó mà game mobile luôn bị mang tiếng là dòng game có “tuổi thọ thấp” và các nhà phát hành hầu hết cũng chỉ tập chung vào phát triển game trong 3 tháng đầu.

Nhưng sự thật không hẳn như vậy, có rất nhiều game ở thị trường nước ngoài và một số game ở Việt Nam vẫn có tuổi thọ vài năm. Đơn giản vì game thủ không phải ai cũng có nhu cầu chơi game mới, nếu có cũng chỉ là chơi thử cho biết. Họ vẫn thích chơi theo thói quen và sẽ tiếp tục chơi chừng nào còn được nhà phát hành chăm sóc.

Đa dạng nhà phát hành, đa dạng thể loại game

Theo thống kê từ thị trường game mobile tại Việt Nam thì hiện đang có khoảng 100 NPHStudio game. Nhưng nếu thống kê chi tiết hơn thì phần lớn số game đang có trên thị trường lại chỉ đang nằm trong tay của hơn 10 nhà phát hành. Số còn lại thuộc về các nhà phát hành mới hoặc các Studio với mỗi bên có từ 1 đến 2 sản phẩm. Thậm chí trong số đó có nhiều công ty đã ngừng hoạt động.

Việc đa dạng hoá các nhà phát hành sẽ giúp cho tính cạnh tranh giữa các nhà phát hành cao hơn. Thay vì chạy theo số lượng sản phẩm, thì việc đầu tiên các nhà phát hành cần phải làm là giữ được chân game thủ mà mình đang có.

Đa dạng hoá về thể loại cũng là một cách để các nhà phát hành có thể mở rộng và phát triển cộng đồng game thủ của mình. Vì còn rất nhiều khách hàng tiềm năng ở các thể loại khác thay vì chỉ tập chung vào một số thể loại đang thịnh hành hiện tại như kiếm hiệp hoặc tam quốc,... Phát hành nhiều game nhưng là phát hành có kế hoạch, chọn lọc và phân tích.

Đoàn kết và chia sẻ nhiều hơn

Câu chuyện về sự đoàn kết trong môi trường cạnh tranh cùng ngành đúng là một suy nghĩ viển vông và không tưởng nhưng không phải là không khả thi. Tuỳ vào quan điểm và sự đoàn kết ở mức độ nào.

Lấy một ví dụ đơn giản: Các nhà phát hành Việt rất thích tìm các tựa game đang hot ở nước ngoài để mua về phát hành tại Việt Nam. Khi biết đối thủ của mình cũng đang quan tâm đến một tựa game nào đó, các nhà phát hành sẽ “quăng” tiền ra cố mua bằng được và coi đó là thắng lợi mà không biết được rằng có cả một ‘rừng’ game cùng thể loại như thế giá rẻ, hoặc không mất chi phí.

Vậy cuối cùng ai là người có lợi?

Các nhà phát hành Việt Nam? Không, sau khi ném tiền vào một cuộc đấu giá, đến lúc đó các nhà phát hành sẽ phải đối mặt với bài toán để cân đối doanh thu. Áp lực càng lớn, thất bại càng cao.

game thủ? Cũng không. Cùng trải nghiệm một thể loại game nhưng chi phí họ bỏ ra sẽ cao hơn các game khác nếu họ muốn tiếp tục chơi bởi vì họ sẽ phải chịu các hoạt động thu tiền từ nhà phát hành.

Và người có lợi cuối cùng vẫn chỉ là doanh nghiệp nước ngoài. Họ thu được tiền bản quyền game, thu được tiền chia sẻ từ doanh thu game. Dù game phát hành thành công hay thất bại thì họ vẫn là người chiến thắng sau cùng.

Vậy phải làm gì để giải quyết vấn đề này?

Hãy chia sẻ thông tin với các nhà phát hành khác để có thể mua game với giá bằng hoặc thấp hơn giá trị thật của game. Vì việc thành công hay thất bại của một game nó phụ thuộc phần lớn vào cách thức vận hành của nhà phát hành đó.

Vậy thay vì chạy theo đôi chân của người khác, các nhà phát hành nên đi theo khối óc và đôi chân của chính mình…?

Chém gió ...
Aa 0